Đăng nhập

Cổng TTĐT Thị trấn Tứ Kỳ - Huyện Tứ Kỳ

23/4/2023  |  English  |  中文

Phòng tránh bệnh cúm cho học sinh

Thời điểm hiện nay đang trong giai đoạn mùa đông xuân, thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp phát triển, dẫn đến nguy cơ gia tăng mắc bệnh cúm. Đặc biệt trong trường học là nơi tập trung đông người thì nguy cơ bùng phát dịch cúm càng cao hơn.

Tại Việt Nam, theo thống kê từ Bệnh viện Nhi Trung ương, số ca cúm đã tăng đột biến từ 200 ca/tuần vào giữa tháng 12/2024 lên tới hơn 1.200 ca trong dịp Tết - gấp 6 lần. Đáng chú ý, bệnh nhân nội trú cũng tăng gấp đôi. Vậy bệnh cúm là gì, phòng tránh ra sao chúng ta cùng tìm hiểu.

 

1. Bệnh cúm là gì

 

Bệnh cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi rút cúm gây ra. Bệnh có khả năng lây nhiễm cao từ người sang người, có khả năng gây thành đại dịch và biến chứng hô hấp có thể gây tử vong.

 

Hiện có 04 chủng virus cúm được ký hiệu là A, B, C, D. Trong đó chủng cúm A và B thường gặp ở người, cúm C gây bệnh nhẹ và thường không có triệu chứng, trong khi đó cúm D ảnh hưởng đến gia súc và không gây bệnh ở người. Cúm A là dạng cúm mùa phổ biến nhất, chiếm khoảng 75% số ca nhiễm cúm ở người.

 

2. Cơ chế lây bệnh

 

Bệnh lây qua đường hô hấp do tiếp xúc với virus từ người bệnh thông qua dịch hắt hơi, sổ mũi trong thời gian từ 1 đến 7 ngày sau khi khởi phát bệnh.

 

3. Dấu hiệu nhận biết cúm

 

Thông thường, cúm thường diễn biến với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng, ho... và phục hồi trong vòng 2-7 ngày. Tuy nhiên, bệnh có thể trở nặng và gây tử vong khi virus xâm lấn các cơ quan, gây viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não, nhiễm trùng huyết.



4. Các biện pháp phòng chống bệnh cúm tại trường học

 

Tăng cường vệ sinh môi trường học tập và vệ sinh cá nhân

 

- Tại trường học cần đảm bảo nơi ở, học tập thông thoáng, sạch sẽ, nhiều ánh sáng. Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong trường học bằng các chất tẩy rửa thông thường như xà phòng…

 

- Tuyên truyền cho trẻ thường xuyên rửa tay kỹ bằng xà phòng với nước sạch, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi.

 

- Học sinh cần che miệng và mũi khi ho và hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn giấy để giảm phát tán dịch theo đường hô hấp, sau đó hủy hoặc giặt khăn thật sạch bằng xà phòng. Không khạc nhổ bừa bãi tại trường học.

 

Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh

 

- Tuyên truyền cho trẻ tránh đi đến nơi đông người, cần đeo khẩu trang khi đi ra ngoài để hạn chế lây nhiễm.

 

- Học sinh tránh tiếp xúc với bạn bị bệnh. Khi cần thiết phải tiếp xúc với bạn bị bệnh thì phải đeo khẩu trang y tế.

 

Tăng cường sức khỏe và khả năng phòng bệnh cho học sinh

 

- Hàng ngày sát khuẩn mũi, mắt bằng dung dịch Natriclorid 0,9%, họng bằng cách súc miệng nước muối pha loãng.

 

- Học sinh giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi hợp lý, kết hợp tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức đề kháng, bảo vệ cơ thể.

 

- Tuyên truyền cho học sinh và gia đình chủ động tiêm vaccine phòng cúm.

 

5. Làm gì khi có biểu hiện nghi mắc cảm cúm

 

Nếu bản thân có các dấu hiệu như: sốt, ho, đau họng thì cần hạn chế tiếp xúc với mọi người, đeo khẩu trang để phòng lây nhiễm, đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám, xử trí kịp thời.